Mỹ Linh, 30 tuổi, quê ở Hải Phòng, gõ cửa văn phòng một công ty chuyên tổ chức đám cưới giả trong một buổi chiều cuối đông. Cô run rẩy kể lại câu chuyện của mình với nhân viên tư vấn: “Tốt nghiệp đại học, em trụ lại Hà Nội làm việc và nảy sinh tình cảm với một anh bạn làm nghề bán bảo hiểm rồi trót có bầu. Đến lúc đó, em mới nhận được cuộc gọi từ một người đàn bà bảo anh ấy đã có vợ và hai con ở quê rồi. Mọi chuyện vỡ lở, anh ta phũ phàng nói muốn giữ hay bỏ thai thì tùy em. Em muốn giữ lại con nhưng rất sợ bố mẹ ở quê mang tiếng nên muốn tổ chức đám cưới giả”. Nói rồi Nga bưng mặt khóc.
HỒI HỘP “NGÀY VUI”
Sau một hồi bàn bạc, Nga chấp nhận thuê chú rể giả và cả họ hàng nhà trai với giá 64 triệu đồng cho ba thủ tục: dạm ngõ, ăn hỏi và tổ chức đám cưới. Ngày cưới, cô thở phào nhẹ nhõm khi đoàn nhà trai lên rất đúng giờ, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và đặc biệt là nhìn chú rể và bố chú rể giống nhau kinh khủng nên chẳng ai mảy may nghi ngờ. Ngoài ra, đoàn nhà trai còn bố trí thêm cả trẻ con đi cùng cho giống một đám cưới thật. Kết thúc đám cưới, lấy lý do bận công việc, Nga theo “chồng” lên Hà Nội luôn. Bố mẹ, họ hàng mừng ra mặt vì con gái có phúc lấy được tấm chồng cao ráo, đẹp trai lại có nhà ở Hà Nội.
Ngọc Mai, sinh năm 1988, quê Bắc Ninh, cũng tìm đến dịch vụ cho thuê chú rể để che mắt bố mẹ, họ hàng vì bụng đã lùm lùm mà tác giả của cái thai đã cao chạy xa bay. Cô quyết định sinh con và nguyện cả đời sống một mình để nuôi con. Chú rể mà Mai chọn là một người có bản lý lịch khá đẹp, mới đi du học nước ngoài về nên dù có tức giận con gái không giữ được mình trước khi chính thức có chồng, bố mẹ của Mai cũng bằng lòng. Chỉ có điều, thời gian tới, cậu con rể lại phải “đi công tác nước ngoài” khá lâu nên anh xin phép gia đình nhà gái cho tổ chức đám cưới càng sớm càng tốt. Ngày cưới, bố mẹ, anh em, họ hàng nhà Mai tự hào ra mặt.
Khi mọi chuyện tưởng như đã hoàn hảo thì ông bác ruột của Mai phát hiện ra đại diện họ nhà trai lại chính là ông bạn của mình. Sau phút ngỡ ngàng, mọi người phải khéo léo giải thích thì đám cưới cũng kết thúc êm xuôi.
“Chú rể giả sẽ được cấp một số điện thoại tạm thời trong thời gian thực hiện đám cưới để khách hàng tiện liên lạc. Sau khi mọi việc xong xuôi, số điện thoại đó sẽ được thu lại để công ty dễ bề quản lý. Kịch bản đám cưới giả thường là chú rể đã có nhà riêng, nhưng công việc hay phải đi công tác xa để tiện đường rút lui. Chúng tôi nhận bảo hành sau đám cưới trong khoảng 1–3 năm. “Bảo hành” là sự xuất hiện của chú rể mỗi khi nhà gái ở quê ra thăm, khi “vợ” sinh nở hoặc ở quê có đám hiếu, hỉ, chúc Tết hai họ để họ hàng khỏi nghi ngờ”, anh Đức Minh, chủ một dịch vụ cho thuê chú rể ở Hà Nội, cho biết.
Anh Minh chia sẻ, bản thân anh xuất phát từ một diễn viên đóng thế, chuyên lo nhân lực “chân gỗ” (người đóng thế) cho các game show. Một lần anh nghe người bạn tâm sự: “Nếu cả gia đình phải bay từ Sài Gòn ra Hà Nội ra mắt nhà gái thì chi phí vé máy bay rất tốn kém”, cả hai đã nảy ra sáng kiến đi thuê họ hàng. May mắn, “phi vụ” thành công trót lọt. Thế là anh Minh quyết định mở dịch vụ “Cho thuê chú rể và người đại diện của nhà trai”.
Khách hàng tìm tới dịch vụ đóng thế này chủ yếu là phái nữ. Theo anh Nguyễn Xuân Thiện, giám đốc Công ty Vinamost, chuyên cho thuê cô dâu, chú rể, một tháng công ty tổ chức được khoảng 10 đám cưới giả, trong đó có tới 9 đám đề nghị thuê chú rể.
“Trong hơn 1.000 khách hàng đã ký hợp đồng thuê chú rể với chúng tôi, có đến 70% là các cô gái trót có bầu mà chú rể thật đã chạy mất hoặc họ đã có gia đình, vợ con. Bên cạnh đó là bà mẹ đơn thân hoặc người có giới tính thứ ba… Họ muốn tổ chức đám cưới để đẹp lòng mẹ cha, để mẹ cha tận mắt nhìn thấy con cái mình yên bề gia thất trước khi nhắm mắt xuôi tay và tránh lời đàm tiếu của thiên hạ. Có trường hợp chú rể mất tích ngay trước ngày cưới trong khi cỗ bàn đã chuẩn bị sẵn, khách khứa đã mời đông đủ và cô dâu đã lùm lùm cái bụng. Khi đó, lễ cưới không thể hoãn lại, họ buộc phải thuê chú rể giả, họ nhà trai giả để mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường cho đẹp mặt với xóm làng rồi sau đó tính tiếp. Nếu coi đám cưới giả là một vở kịch thì các diễn viên đóng thế của chúng tôi phải diễn xuất thành công 100%. Chúng tôi không nhận tổ chức đám cưới giả cho những ai có mục đích phá vỡ hạnh phúc gia đình hay trục lợi. Sau khi kiểm chứng độ tin cậy của thông tin, công ty mới ký hợp đồng, cho ê kíp lên kịch bản chi tiết, phân vai diễn viên chính, phụ. Vở kịch không được phép diễn lại, không để xảy ra sai sót, nếu không mọi chuyện sẽ đổ bể đến mức không thể cứu vãn được”, anh Thiện nhấn mạnh.
Để tránh bị lộ mặt, mỗi chú rể một tháng “lên xe hoa” không quá ba lần, trung bình một năm không quá 10 lần. Chú rể phải đáp ứng đủ các yêu cầu như tuổi đời 20 – 52, ngoại hình tốt, ăn nói dễ nghe, biết uống rượu nhưng không được để say và nếu có say thì hải nhớ chiến thuật “im lặng là vàng”. Họ được đào tạo những kỹ năng, cách giao tiếp cơ bản để tạo nên hình ảnh chú rể hoàn hảo trong mắt nhà gái. Chú rể có thể là dân công sở đang nhàn rỗi hoặc đã về hưu, là những chàng trai ở quê lên thành phố kiếm sống bằng nghề phục vụ nhà hàng, đôi khi cũng có cả sinh viên đang đi làm thêm để lấy tiền ăn học.
Trong hợp đồng luôn có những điều khoản yêu cầu cả “diễn viên” và người thuê phải tuân thủ như chỉ được ôm eo, thơm má và không được quan hệ tình dục với người đóng thế trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới. Tuy nhiên, việc “giả thành thật”, nhân viên và khách hàng tự nguyện đến với nhau sau lễ cưới giả là không thể kiểm soát được.
Anh Thiện kể, trong lần tổ chức đám cưới giả cách đây không lâu, chú rể tên Hải không biết uống rượu nên dù đã cố khước từ hết mức, anh vẫn bị chuốc say bí tỉ. Không nỡ để “ân nhân” về nhà nằm còng queo, cô độc trong căn phòng trống trải, cô dâu Trang đã đưa Hải về phòng trọ nghỉ tạm. Biết ơn ân nhân, cô dâu đã đánh gió cho Hải để khi tỉnh giấc anh không bị nhức đầu. Sáng hôm sau, cô lại ân cần chuẩn bị nước ấm cho “chú rể” tắm cùng bữa sáng là bát cháo thịt băm hành. Chẳng ai ngờ bát cháo ấy lại có sức mạnh biến một đám cưới giả thành hạnh phúc thật. Đó cũng là đám cưới giả thành thật duy nhất trong hàng nghìn đám cưới giả mà công ty đã tổ chức.
LỜI KHUYÊN TỪ CHUYÊN GIA: Anh Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP. HCM, khuyên: “Cưới giả chỉ giải quyết được khủng hoảng trước mắt, sau đó cô dâu sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Nếu trót có thai và bị ruồng bỏ, bạn hãy mạnh dạn tìm kiếm sự hỗ trợ của bố mẹ hoặc các tổ chức đoàn thể, tư vấn tâm lý. Theo những gì tôi nhìn thấy thì hiện nay xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều, thậm chí có thể hỗ trợ người phụ nữ. Một khi bạn có đủ tự tin vào bản thân thì những lời thị phi của người xung quanh không phải là vấn đề lớn và đám cưới giả là điều không cần thiết”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình