“Nó đã thừa nhận rồi bà ạ. Chính miệng nó nói, nó thích đàn ông. Nó chỉ yêu đàn ông”, những lời chồng gay gắt chỉ trích đứa con trai như nhát dao cứa vào da thịt người mẹ. Suốt đêm ấy, cả hai ông bà không thể chợp mắt được.

 Hiểu lầm thường gặp về người đồng tính

 Cuộc sống của cặp đồng tính mong được kết hôn

Bà Thủy bảo, đã 10 năm trôi qua kể từ cái đêm đầu tiên đứa con trai đồng tính công khai giới tính thật, song những ký ức đau buồn ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí người mẹ như thể chuyện vừa xảy ra hôm qua vậy. "Đêm ấy, chúng tôi đã thức trắng. Chồng tôi im lặng, đăm chiêu. Còn tôi cũng theo đuổi những dòng suy nghĩ riêng của mình. Con ở gần tôi đến thế, nhưng sao tôi lại không biết những điều chồng nói? Tại sao lại xảy ra những chuyện này?", người mẹ 56 tuổi, ngụ tại TP HCM, nhớ lại. 

Những người mẹ trong Câu lạc bộ phụ huynh của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG) luôn mong đến một ngày xã hội không còn kỳ thị người đồng tính. Ảnh: Thi Trân.
Bà Thủy (bên trái) cùng những người mẹ trong Câu lạc bộ phụ huynh của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG) luôn mong đến một ngày xã hội không còn kỳ thị người đồng tính. Ảnh: Thi Trân.

Người chồng khẳng định chắc nịch với vợ rằng đã vài lần ông vô tình thấy con trai nói chuyện thân mật với một người đàn ông trên mạng. Không chỉ một người, cậu bé còn giao du với những gã trai khác. Đã có lần vợ chồng ông hỏi thẳng: "Con có xác định được là thích con trai hay con gái không?”. Nhưng Dũng (tên cậu con trai) cũng chỉ bâng quơ bảo: “Con chưa xác định được, con cũng chưa biết”.

Cho đến một ngày, cậu bé đã thẳng thắn nói với cha về giới thật của mình. “Nó đã thừa nhận rồi bà ạ. Chính miệng nó nói, nó thích đàn ông. Nó chỉ yêu đàn ông”, câu nói của người chồng như xé toang màn đêm, tựa những nhát dao cứa vào da thịt của người mẹ. Nghe xong, bà Thủy cũng "như đi trên mây" vì không rõ chuyện gì đang xảy ra với chồng con mình.

"Mẹ con tôi rất gắn bó, thân thiết với nhau và con tôi dường như chia sẻ với tôi tất cả mọi điều. Thằng bé ngoan ngoãn, thật thà. Tôi luôn đinh ninh rằng mình là người hiểu con nhất, nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy không hiểu được nó", người mẹ từng là giáo viên dạy tiểu học băn khoăn.

Trong lòng người mẹ lúc ấy hiện lên hàng trăm nỗi lo: Rồi chồng sẽ đối xử với con như thế nào? Những kỳ vọng của ông ấy về con sẽ ra sao? Hơn nữa, mối quan hệ giữa bà Thủy với dòng họ bên nội vốn không được hòa thuận, làm sao có thể đối diện với họ. Và nếu hàng xóm biết được chuyện này, họ sẽ nghĩ về gia đình mình ra sao?...

Bà luôn tự đổ lỗi cho bản thân, cho "cái nghiệp" mình phải gánh chịu. 10 năm ròng sau đó, cả gia đình sống trong đau khổ, dằn vặt. Hai mẹ con bà dần xa cách, lạnh nhạt với nhau như hai chiếc bóng lặng lẽ trong căn nhà. Còn chồng không ngớt nói những lời làm tổn thương con “Mày là đồ sâu bọ", "Tại mày pê-đê nên mới gây nên chuyện”, “Tại mày pê-đê nên mới chuyển chỗ làm”...

Hai vợ chồng đi khắp nơi tìm cách để “chữa bệnh” đồng tính cho con, với mong muốn thằng bé trở lại làm một nam nhi bình thường. Hết đưa con đến bệnh viện để thử máu, xét nghiệm hormone, họ lại chạy chữa theo những lời đồn đại, đưa con xuống tận Đồng Tháp gặp thầy cúng để đuổi “người nữ” ra khỏi cơ thể... 

Áp lực và sự ghẻ lạnh từ gia đình đã khiến cậu con trai một lần tự tử nhưng không thành, rồi hai lần phải nhập viện tâm thần. Chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực khiến anh phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại. Cuối cùng người con ấy đã phải rời bỏ gia đình, ra đi bươn chải làm ăn nơi xứ người.

Trước khi đi, người con nói với hai đấng sinh thành: “Con sẽ cố gắng làm ăn để bù đắp cho ba mẹ. Có thể con không thể cho ba mẹ một nàng dâu. Con sẽ làm mọi điều ba mẹ mong muốn, nhưng đừng bắt con phải sống dối với bản thân mình, vì con sẽ không thể nào chịu đựng được điều đó nữa. Con sẽ cố gắng bù đắp cho ba mẹ”.

Từ đó đến nay đã chục năm trôi qua. Mỗi lần ngồi nhớ đến, bà Thủy lại cảm thấy ân hận về những gì mình đã làm, đã đối xử với con. "Tôi chẳng cần những điều ấy đâu. Giờ chỉ mong con được tự do sống là chính mình, yêu người mình yêu, không bị xã hội kỳ thị, và công ăn việc làm tốt đẹp để có thể tự chăm sóc bản thân. 56 tuổi rồi tôi mới hiểu được rằng, đồng tính không phải là bệnh, không thể nào chữa được. Nó không gây hại cho xã hội, cho dân số, cho cái chúng ta gọi là truyền thống. Con tôi trong sáng và vô tội", người mẹ viết trong một cuốn tự truyện kể về đứa con tội nghiệp của mình.

Hiện nay, bà Thủy cùng một số phụ nữ có con đồng tính tại Việt Nam đã lập nên Câu lạc bộ phụ huynh của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG). Các hội viên của tổ chức này đi khắp nơi kêu gọi quyền bình đẳng cho người đồng tính, lên án sự kỳ thị và vận động sửa đổi luật cho phép người đồng tính được kết hôn với nhau. Họ luôn hy vọng một ngày nào đó sự kỳ thị bị xóa bỏ, hôn nhân đồng giới không còn bị cấm, con của họ có thể ngẩng mặt với cuộc đời, có thể danh chính ngôn thuận cưới vợ, gả chồng theo "tiếng gọi nơi trái tim".

"Ở tuổi 56, dẫu biết cuộc đời không phải là một giấc mơ, nhưng tôi vẫn còn ấp ủ cho mình giấc mơ đó, giấc mơ về sự bình đẳng và tình yêu thương. Để không còn ai bị tổn thương vì họ khác biệt. Chúng tôi mất hơn 10 năm để hiểu con, để lại những tổn thương không thể hàn gắn. Nhưng giờ đây tôi đã có thể nói về con với tất cả mọi người, rằng tôi tự hào về nó", bà hy vọng người con ở phương trời xa đọc được những lời này và hiểu tấm lòng của mẹ.

>> Xem nguyên văn tự truyện của người mẹ có con đồng tính

Thi Trân

Google+