Kể câu chuyện của mình, tôi thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Kể lại một phần của cuộc đời mình, nghĩa là ta một lần nữa được sống lại những niềm vui, niềm hạnh phúc, và cũng đồng nghĩa với việc một lần nữa ta phải đối diện với nỗi đau và mất mát. Cuộc đời con người là thế, thời gian có thể làm nhòa đi những ký ức đớn đau trong tâm hồn, nhưng cũng có khi lại càng khắc sâu thêm những vết thương cào xé. Cuộc đời là hiện thực, không phải là một giấc mơ. Và chúng ta thường có xu hướng đau khổ hơn hiện thực, chẳng phải sao?
Tôi đã đi chặng đường ấy hơn 10 năm. Cái đêm bắt đầu cho những thay đổi, những sóng gió trong gia đình chúng tôi, mãi mãi tôi không thể nào quên được. Từng lời nói, cử chỉ của chồng, của con chính là những ký ức đầu tiên trong cuộc hành trình ấy.
Buổi tối, sau tiệc họp mặt với một người bà con Việt kiều, chồng tôi trở về nhà, chếnh choáng say. Thằng Dũng đã ngủ ở nhà người bà con ấy, nó say quá không thể về được. Chồng tôi nhìn tôi dò xét một lúc lâu rồi chậm rãi: “Bà ơi! Chuẩn bị tinh thần tôi kể cái này cho nghe”.
Lúc đó, tôi biết ông ấy còn đủ tỉnh táo để làm chủ được bản thân, và những điều ông ấy sắp nói ra hoàn toàn nghiêm túc. Hiểu chồng, tôi biết ông ấy đã không đủ can đảm để đối mặt với sự thật nên đã tìm đến rượu. Có lẽ những điều chồng tôi sắp nói ra, bản thân ông ấy cũng không thể chịu đựng được. Khi uống rượu, một vài giác quan sẽ yếu đi, một vài cảm xúc sẽ bị lu mờ. Phải chăng đó là một cách hiệu quả để chúng ta trốn tránh những nỗi đau?
Tôi thấy hơi chột dạ, trong lòng có một chút lo lắng, bất an. Chuyện gì mà tôi phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận? Cả cuộc đời làm vợ, làm mẹ vốn chỉ quẩn quanh xó bếp, chợ búa, trường học của con cái, và chăm sóc gia đình. Những công việc ấy đã thành thói quen, niềm vui, niềm an ủi và trách nhiệm, đã lặp đi lặp lại hằng ngày, theo một quy trình rất ổn và bền chặt suốt mười mấy năm qua.
Mọi chuyện đến giờ vẫn tốt đẹp và tôi cảm thấy an tâm, không phải lo lắng điều gì. Trong phút chốc, tôi tìm lại trong trí nhớ về những tháng ngày đã qua để xem xét những biến cố mà có thể chồng tôi sắp nói đến, nhưng những chuyện đó giờ đã qua rồi. Khoảng năm 1996, chồng tôi gặp tai nạn, cuộc sống của chúng tôi chìm nổi, bấp bênh, không còn được no đủ, sung túc như trước. Khi đó, tôi đang làm giáo viên tiểu học, nhưng phải bỏ nghề nghiệp đã theo đuổi hơn 13 năm để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Tôi đã phải làm đủ thứ công việc, từ làm bánh cho trường học, bán bánh trước cửa nhà, bán nước trên vỉa hè cho đến massage. Có lúc, tôi phải dậy từ tờ mờ sáng để đi massage cho khách ở tận Long Thạnh Mỹ. Có lúc tôi phải thức khuya làm bánh để kịp hôm sau buôn bán. Những ngày đói kém, nhọc nhằn ấy đã không còn nữa. Chồng tôi bình phục và việc làm ăn của chúng tôi lại đủ để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Con chúng tôi được đến trường, điều kiện sinh hoạt và học tập không hề thiếu thốn.
Nhưng trước thái độ của chồng, tôi không khỏi băn khoăn. “Làm ơn, đừng để chuyện gì xảy ra”, tôi nhủ thầm. Chồng tôi nhắc lại một vài sự việc về thằng Dũng. Rằng có lần, ông ấy vô tình thấy con nói chuyện thân mật với một người đàn ông trên mạng. Không chỉ một lần, mà là nhiều lần. Không chỉ với người đàn ông đó, con tôi còn giao du với những người đàn ông khác. Chồng tôi cũng thử gặng hỏi, “Con có xác định được con thích con trai hay con gái không?” Vài lần như thế, thằng Dũng cũng chỉ bảo: “Con chưa xác định được”, “Con cũng chưa biết”.
“Nhưng nó đã thừa nhận rồi bà ạ. Chính miệng nó nói, nó thích đàn ông. Nó chỉ yêu đàn ông”. Đêm ấy, chúng tôi đã thức trắng. Chồng tôi im lặng, đăm chiêu. Còn tôi cũng theo đuổi những dòng suy nghĩ riêng của mình. Con ở gần tôi đến thế, nhưng sao tôi lại không biết những điều chồng nói? Tại sao lại xảy ra những chuyện này?
Mẹ con tôi rất gắn bó, thân thiết với nhau và con tôi dường như chia sẻ với tôi tất cả mọi điều. Thằng bé ngoan ngoãn, thật thà. Đi học về là phụ giúp công việc gia đình và rất ít khi chơi bời hay la cà. Thành tích học tập của thằng bé luôn luôn rất tốt. Chưa bao giờ thằng bé để tôi phải lo lắng, phiền muộn về nó. Tôi luôn đinh ninh rằng mình là người hiểu con nhất, nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy không hiểu được thằng bé.
Trong lòng tôi đè nặng những câu hỏi lớn: Tôi phải làm gì với con mình đây? Ngày mai, khi chúng tôi mặt đối mặt, sự thật đối diện với sự thật, tôi sẽ phải làm gì? Tôi sẽ đánh mắng con? Không. Một người mẹ và một người từng là nhà giáo như tôi, đó tuyệt đối không phải là cách làm. Năm ấy, con trai tôi đang học lớp 12, chuẩn bị thi vào Đại học, tôi cũng không thể để những chuyện này làm ảnh hưởng đến việc học và tương lai của con. Tôi thật sự không biết phải làm gì.
Tôi nhìn về phía chồng và cũng tự hỏi lòng mình. Rồi ông ấy sẽ đối xử với con như thế nào? Những kỳ vọng của ông ấy về con sẽ ra sao? Hơn nữa, mối quan hệ giữa tôi và họ nội vốn không được hòa thuận, làm sao tôi có thể đối diện với họ. Và nếu hàng xóm biết được chuyện này, họ sẽ nghĩ về chúng tôi ra sao?
Con cái cũng là máu thịt của mình. Sẽ có những lúc những bậc làm cha, làm mẹ như chúng ta ngồi nhìn lại và cảm thấy ân hận vì những gì mình đã làm với con. Chỉ là chúng ta sợ hãi, không muốn thừa nhận điều đó. Chỉ là lòng tự trọng của chúng ta quá cao nên chúng ta luôn nghĩ mình đúng, không muốn nhìn nhận mình đã sai, chúng ta nghĩ mình làm cha mẹ nên con cái phải đi theo những gì chúng ta mong mỏi. Từng đường đi nước bước chúng ta đã vạch sẵn cho con, mà mong mỏi bọn trẻ đi theo con đường ấy.
10 năm, với một số người, nó chỉ như cái chớp mắt, chẳng là gì so với một cuộc đời. Nhưng đối với tôi, đó là những chuỗi ngày chịu đựng và trượt dài của những sai lầm. Tôi đã luôn tự đổ lỗi cho bản thân, cho cái nghiệp mình phải gánh chịu. 10 năm, mẹ con tôi đau khổ, dằn vặt. 10 năm, tôi và con tôi đã xa cách, lạnh nhạt với nhau, chúng tôi như hai chiếc bóng lặng lẽ trong căn nhà.
10 năm, chúng tôi đã đánh mất nhiều điều đáng quý trong cuộc sống vốn rất ít ý nghĩa này. 10 năm, tôi đã phải trả một cái giá rất đắt. Tôi ước giá như người gánh chịu là mình chứ không phải là con.
Đó là khi tôi bất lực, cam chịu, nhìn chồng nói những lời làm tổn thương thằng bé. Ông ấy đã không tiếc lời chỉ trích, la rầy con. “Mày là đồ sâu bọ”. Ông ấy trở nên lạnh lùng và khắt khe với con. Tất cả những lỗi lầm dù lớn, dù nhỏ của con, ông ấy cũng đều đổ lỗi cho việc thằng bé là người đồng tính. “Tại mày pê-đê nên mới gây nên chuyện”, “Tại mày pê-đê nên mới chuyển chỗ làm”. Còn con tôi chỉ biết câm lặng. Đó là khi, trong một lúc nóng giận, tôi đã quát lên rằng:“Đem chúng bay bắn bỏ hết đi” khi thấy bạn cùng giới đến nhà chơi. Để rồi sau đó chỉ là một lời đáp: “Tụi con có làm gì đâu sao bắn bỏ tụi con?”.
Đó là những lần chúng tôi tìm cách để “chữa” đồng tính cho con, để con trở lại làm một người đàn ông “bình thường”. Hết đưa con đến bệnh viện để thử máu, xét nghiệm hormone, đến việc chạy chữa theo những lời đồn đại. Đưa con xuống tận Đồng Tháp gặp thầy cúng để đuổi “người nữ” ra khỏi cơ thể.
Chúng tôi đã hành động một cách mù quáng, để rồi nhìn thấy con bị trói chặt, đau đớn. Chẳng khác nào người mẹ này đã đưa con mình đến một cuộc hành quyết nhẫn tâm, khi mà con tôi chẳng gây hại cho bất kỳ ai. Khi mà con tôi chỉ là một người đồng tính.
“Nó trong sáng và vô tội. Và còn những sai lầm không thể nào sửa chữa, bù đắp được. Áp lực và sự ghẻ lạnh từ phía gia đình đã khiến con tôi tự tử một lần, hai lần phải nhập viện tâm thần. Chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực đã khiến con tôi phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại.
Không thể nào bào chữa rằng vì thương con nên tôi đành phải làm vậy. Tôi đã sai trong cách yêu thương thằng bé. Và tôi phải bừng tỉnh khỏi cơn mê muội này. Tôi phải sửa sai và bù đắp cho con, dù tôi biết rằng chỉ tình yêu thương đúng cách có lẽ vẫn không thể nào bù đắp nổi cho những tổn thương mình đã vô tình gây ra. Tôi dần chấp nhận những điều mới mẻ.
Tôi tìm hiểu nhiều hơn từ những trang mạng, từ trong những tài liệu khoa học bây giờ được mọi người lan truyền. Tôi may mắn được biết đến ICS. Tôi mong mình có thể hiểu nhiều hơn về con mình. Tôi muốn bảo vệ con mình, vì con tôi xứng đáng được hưởng những quyền con người, được yêu thương và được sống thật với chính mình.
Tôi đã giết nửa đời con
56 tuổi rồi tôi mới hiểu được rằng, đồng tính không phải là bệnh, không thể nào “chữa” được. Đồng tính cũng là một điều hoàn toàn tự nhiên. Xu hướng tính dục không nói lên tất cả những gì thuộc về một người mà chỉ là một phần của tính cách. Nó không gây hại cho xã hội, cho dân số, cho cái chúng ta gọi là truyền thống. Nó trong sáng và vô tội. Câu chuyện 10 năm ấy, tôi không chắc mình có thể nói hết được qua những trang viết này. Tôi cũng không chắc mình có thể nhớ hết tất cả những gì đã xảy ra.
Tôi đã 56 tuổi rồi. Ở tuổi của tôi, có lẽ người ta thường nghĩ đến khung cảnh yên bình nhất trong cuộc đời con người: con cái chúng ta có sự nghiệp, có gia đình, có hạnh phúc, và chúng ta thì có cháu để ẵm bồng, chăm nom. Chúng ta sẽ ngồi hằng ngày bên khung cửa, đọc báo, đợi con cháu về nhà sum họp và cùng ăn bữa cơm gia đình. Chúng ta sẽ làm vườn, đan len, viết sách hay làm những việc mà thời còn trẻ chúng ta chưa có cơ hội làm được. Chúng ta sẽ yên tâm đợi một kết thúc êm ả nhất và rời khỏi “cõi tạm” này.
Ở tuổi của tôi, nếu không có được ít nhất một trong những điều đó, thì cuộc đời đã sống sẽ trở nên phí hoài, vô nghĩa. Chúng ta sẽ tự trách mình, rằng mình đã làm gì trong suốt khoảng thời gian qua. Có thể chúng ta có được địa vị, tiền tài, danh vọng, nhưng nếu không có được những điều ấy, chúng ta vẫn là những kẻ trống rỗng, cô đơn.
Ở tuổi của tôi, bạn sẽ hiểu, thật ra sống gần 60 năm như thế, nhưng chúng ta chỉ thực sự sống vỏn vẹn một phần ba cuộc đời. Và chúng ta chẳng sống vì ai khác ngoài con cái chúng ta. Con cái là điều ý nghĩa nhất của cuộc sống này. Vậy nên, đừng để khoảng thời gian đó đầy rẫy những nuối tiếc và ân hận.
Tôi biết, bạn sẽ khó có thể chấp nhận được những điều này. Chúng ta thường có xu hướng lo sợ trước nhiều điều mới mẻ, chẳng phải sao? Chúng ta có thể đâm ra thù ghét, tẩy chay, thay vì khám phá và nhìn nhận đồng tính ở góc độ khác.
Chúng ta đã được nuôi dưỡng, lớn lên và học hỏi trong một khuôn mẫu gò ép, do giáo dục, do tín ngưỡng, do văn hóa, do truyền thống tạo ra, và trong những khuôn mẫu này, chúng ta cố gắng tạo ra cái gọi là trật tự xã hội. Tâm hồn của chúng ta thích ứng, noi theo, bắt chước, rập khuôn, bởi vì có sự an toàn trong việc noi theo một khuôn mẫu nào đó. Điều này quá rõ ràng.
Có thể bạn là một học giả, một chính trị gia lỗi lạc, nhưng phải chăng bạn luôn mang theo bên mình một nỗi lo sợ thầm kín, rằng nếu bạn không đến chùa chiền, đền đài, hoặc nếu bạn không thực hiện những việc bạn được người khác khuyên bảo thì một điều gì đó rất khủng khiếp có thể xảy ra với bạn. Thế nên tâm hồn bạn được dạy rằng nó cần phải bắt chước, cần phải tuân theo những khuôn mẫu mà xã hội tạo ra – vượt qua những kỳ thi, tốt nghiệp, lập nghiệp, lập gia đình, duy trì nòi giống, và cuối cùng là kết thúc. Nhưng nơi nào có khuôn mẫu, nơi đó càng trở nên hỗn độn, mất trật tự, mất cân bằng.
Nơi nào có sự so sánh, phân biệt, nơi đó nhất định có sự hỗn loạn. Lúc này đây, con tôi đang ở rất xa, bươn chải làm ăn nơi xứ người. Trước khi đi, thằng bé bảo: “Con sẽ cố gắng làm ăn để bù đắp cho ba mẹ. Có thể con không thể cho ba mẹ một nàng dâu. Con sẽ làm mọi điều ba mẹ mong muốn, nhưng đừng bắt con phải sống dối với bản thân mình, vì con sẽ không thể nào chịu đựng được điều đó nữa. Con sẽ cố gắng bù đắp cho ba mẹ”. Tôi chẳng cần những điều ấy đâu, giờ chỉ mong con được tự do sống là chính mình, yêu người mình yêu, không bị xã hội kỳ thị, và công ăn việc làm tốt đẹp để có thể tự chăm sóc bản thân.
Bạn có thể tìm ra cách riêng của mình khi đối mặt với việc con bạn là người đồng tính. Bạn sẽ nhận ra điều gì là quan trọng và ý nghĩa với mình nhất. Có thể đó là tình yêu thương, sự khoan dung và bảo vệ của gia đình. Có thể sẽ phải trải qua những năm tháng khổ đau, nước mắt và chia ly, như câu chuyện của gia đình tôi. Có thể khi bạn trải qua những điều này như tôi rồi, bạn mới có thể hiểu được.
Đó là khi con bạn đã xa cách bạn rồi, sẽ có những lúc bạn bước vào căn phòng trống trải của con, tần ngần, nhìn chỗ con nằm, nhìn chỗ con ngồi mà bật khóc. Hay khi đi trên đường, ở một khúc cua nào đó, bạn chợt nhớ đến con nhưng về đến nhà đã không còn thấy bóng con. Hay là trong ngày lễ tốt nghiệp Đại học của con, bạn cũng như tôi, đã không đủ can đảm đến dự, chỉ vì những hằn học dành cho đứa con đồng tính của mình. Để rồi bạn không thể nào quay ngược lại thời gian, không thể nào có lại được kỷ niệm đó. Để rồi trong bức ảnh chụp con ngày lễ tốt nghiệp chỉ mình con bạn đơn độc.
Ở tuổi 56, tôi đã đọc hết bản dự thảo Hiến pháp, tôi chỉ hiểu được một điều cốt lõi nhất là Nhà nước ta luôn cố gắng thay đổi bổ sung sao cho Hiến pháp ngày càng nâng cao đời sống cho toàn thể con người Việt Nam. Giờ mới biết đến Hiến pháp là gì, đây là lần đầu tiên trong đời và có thể chỉ một lần này thôi, vì một Hiến pháp có thể thay đổi cũng phải 10 hoặc 15 năm.
Tôi đã mạnh dạn đón nhận cơ hội này để xin được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của một người làm mẹ. Chúng ta được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, nhưng đâu được cho cái quyền sinh con theo ý muốn, và những đứa con ra đời cũng đâu có quyền chọn giới tính cho mình. Một khi người phụ nữ sinh toàn con gái thì bản thân người mẹ và người con gái đều không được họ nội yêu quý. Vậy trong trường hợp người phụ nữ sinh con trai, mà mãi gần 20 năm sau mới biết con mình đồng tính, có những người chồng đã tìm cách ly dị và lập gia đình mới. Hạnh phúc của người phụ nữ mong manh quá.
Do vậy, tôi chỉ mong nhà nước bảo vệ quyền lợi của người mẹ, dù sinh con trai, con gái, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, khuyết tật. Và điều mong mỏi lớn nhất là trong Hiến pháp cần có sự bảo vệ quyền con người cho những người con đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, và những người khuyết tật, người có H, dân tộc ít người và đặc biệt là phụ nữ vả trẻ em.
Có như vậy thì người phụ nữ mới cảm thấy yên tâm lúc mang thai, không phải lo lắng cho đứa con chào đời thuộc vào giới tính nào. Phụ nữ chúng tôi mới có đủ tâm trí, nghị lực nuôi dạy con cái tốt và cống hiến toàn tâm toàn ý cho xã hội được.
Ở tuổi 56, dẫu biết cuộc đời không phải là một giấc mơ, nhưng tôi vẫn còn ấp ủ cho mình giấc mơ đó. Giấc mơ về sự bình đẳng và tình yêu thương. Để không còn ai bị tổn thương vì họ khác biệt. Chúng tôi mất hơn 10 năm để hiểu con, để lại những tổn thương không thể hàn gắn. Nhưng giờ đây tôi đã có thể nói về con với tất cả mọi người, rằng tôi tự hào về nó.
Tôi đã có được sự đồng cảm, thấu hiểu từ chồng, từ họ ngoại, từ cả những người xóm. Tôi có con gái, người đã luôn ủng hộ anh trai nó ngay từ lúc đầu. Tôi được tạo mọi điều kiện để lên tiếng nói của mình nhờ ICS, PFLAG, những bạn trong cộng đồng LGBT, những người ủng hộ. Tôi sẽ biến giấc mơ đó thành hiện thực, thành cuộc đời mà mỗi người trong số chúng ta ai cũng có quyền được sống. Và tôi biết mình sẽ không đơn độc.
Mẹ Thủy